Ngành kế toán: từ cam kết WTO đến luật nội

Ngành kế toán: từ cam kết WTO đến luật nội

Date: - View: 817 - By:

Từ cam kết WTO

Một nhà đầu tư nước ngoài mong muốn thành lập một công ty 100% vốn nước ngoài để cung cấp và thực hiện dịch vụ kế toán tại Việt Nam. Việc thành lập công ty này sẽ bị điều chỉnh bởi Biểu cam kết về thương mại và dịch vụ của Việt Nam với các thành viên WTO (cam kết WTO). Theo cam kết WTO, nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia là thành viên WTO được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hay công ty liên doanh mà không chịu bất cứ hạn chế nào bởi đối với dịch vụ kế toán (CPC 862), cam kết WTO quy định rõ là “không hạn chế” về hiện diện thương mại(1).

Đến luật trong nước...

Tuy vậy, Luật Kế toán 2015 của Việt Nam quy định rằng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài chỉ được phép thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam dưới ba hình thức (i) góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đã thành lập và hoạt động tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán; (ii) thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài và (iii) cung cấp dịch vụ qua biên giới(2). Bên cạnh đó, các tổ chức chỉ được góp tối đa là 35% vốn điều lệ trong công ty kế toán trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên(3). Nếu có nhiều tổ chức tham gia góp vốn, thì tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối đa cũng không vượt mức tỷ lệ này.

Như vậy, theo quy định của Luật Kế toán, một công ty nước ngoài không thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, còn nếu góp vốn, thì chỉ được nắm không quá 35% vốn điều lệ. Rõ ràng là đã có mâu thuẫn rất lớn giữa cam kết WTO và Luật Kế toán.

Nhà đầu tư biết áp dụng cái nào?

Cam kết WTO, về bản chất là điều ước quốc tế của Việt Nam với các lãnh thổ thành viên WTO khi gia nhập WTO. Các cam kết có khi chỉ thể hiện khái quát trong những nguyên tắc cơ bản. Do đó, để thực thi các điều ước, các cam kết này và áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức, sẽ cần phải thông qua bước nội luật hóa hay chuyển hóa các điều ước này vào trong luật Việt Nam.

Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế thì Việt Nam sẽ chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện.

Phù hợp với nguyên tắc này, Nghị quyết số 71/2006/NĐ-CP của Quốc hội về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO (Nghị quyết 71) cũng nêu rõ áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam đối với WTO được quy định đủ rõ, chi tiết trong nghị định thư, các phụ lục đính kèm và báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập WTO.

Vậy cam kết của Việt Nam về dịch vụ kế toán đã được chuyển thành luật Việt Nam thông qua Nghị quyết 71 và thực sự đủ rõ để thực hiện. Điều lạ lùng là Luật Kế toán đã không tương thích với cam kết WTO dù được ban hành vào năm 2015 - tức là chín năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Bên cạnh đó, luật Việt Nam cũng quy định nhất quán một nguyên tắc đó là trong trường hợp văn bản pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Khi cam kết đã quy định không hạn chế về thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam mà Luật Kế toán của Việt Nam chỉ cho phép thành lập theo hình thức liên doanh với một công ty kế toán Việt Nam thì rõ ràng đã có sự không phù hợp ở đây và do đó trường hợp này phải áp dụng theo cam kết WTO.

Trở lại câu chuyện trên, mâu thuẫn trong cam kết WTO và Luật Kế toán khiến cả nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan nhà nước Việt Nam gặp khó khăn. Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn áp dụng cam kết WTO còn cơ quan nhà nước Việt Nam lại yêu cầu phải thực hiện theo luật Việt Nam. Nhà đầu tư băn khoăn rằng ngay cả khi cam kết WTO quy định rõ như vậy mà cơ quan nhà nước Việt Nam còn ban hành và áp dụng khác, gây bất lợi cho nhà đầu tư, vậy những vấn đề mà cam kết WTO quy định chưa đủ rõ, cơ quan nhà nước Việt Nam sẽ giải thích luật thế nào? Câu chuyện lại quay về vấn đề niềm tin của nhà đầu tư vào các cam kết của Việt Nam. Niềm tin này chưa thông thì nhà đầu tư chắc không dám mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam.